Chiến lược giúp đọc nhanh hơn

Hãy đọc nhanh hơn bằng cách đọc thông minh


Chiến lược đọc tốt là phương pháp giúp bạn đọc một cách hiệu quả. Sử dụng các cách này, bạn sẽ đọc với hiệu quả cao nhất với nỗ lực thấp nhất. Phần này, 15phut.vn sẽ chỉ ra cho bạn làm thế nào để sử dụng 6 chiến lược đọc để đọc thông minh.

Chiến lược 1: Biết những gì bạn muốn biết

Đầu tiên, hãy tự hỏi: tại sao bạn lại đọc tài liệu này? Bạn đọc có chủ đích hay chỉ để thư giãn? Bạn muốn biết những gì sau khi đọc?

Chỉ khi bạn biết rõ điều này, bạn mới có thể đánh giá tài liệu đó có đáp ứng được mục tiêu của bạn không.

Để làm được điều này, hãy xem lời giới thiệu và tiêu đề các chương. Lời giới thiệu cho bạn biết đối tượng cuốn sách muốn nhắm đến, và mục đích của cuốn sách là gì. Tiêu đề các chương sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quát cấu trúc của chủ đề.

Hãy tự hỏi: cuốn sách có đáp ứng được nhu cầu của bạn không? Chứa đựng quá nhiều hay quá ít kiến thức? Có thể tìm được một tài liệu khác tốt hơn không?

Chiến lược 2: Biết được bạn cần nghiên cứu thông tin sâu đến mức nào

Nếu chỉ cần kiến thức cơ bản nhất, bạn có thể đọc lướt qua tài liệu. Ở đây, bạn chỉ nên đọc tiêu đề chương, lời giới thiệu và những tóm tắt sau mỗi chương.

Nếu bạn cần một mức độ thông tin vừa phải về chủ đề, bạn có thể đọc lướt qua tài liệu. Đọc giới thiệu chương và chi tiết tóm tắt chương. Sau đó bạn có thể đọc nhanh qua nội dung của các chương, chọn ra và hiểu các từ khóa và các khái niệm đáng chú ý. Ở cấp độ này, bạn nên chú ý đến các biểu đồ và đồ thị.

Chỉ khi nào cần kiến thức chuyên sâu về chủ đề thì mới cần nghiên cứu cả tài liệu. Tốt nhất là hãy lướt qua tài liệu trước để có cái nhìn tổng quan về chủ đề, giúp bạn hiểu cấu trúc chủ đề, từ đó có thể nắm chi tiết khi đọc toàn bộ và lĩnh hội được tài liệu. Để nghiên cứu sâu về tài liệu thì có một kĩ thuật rất hiệu quả giúp bạn làm được điều này là kĩ thuật SQ3R.

Chiến lược 3: đọc chủ động

Khi đọc vào chi tiết, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn đánh dấu, gạch dưới hay ghi chú trong đó. Điều này nhấn mạnh các thông tin vào tâm trí bạn và giúp bạn có thể xem lại những điểm quan trọng đó dễ dàng hơn.

Việc này giúp bạn đọc tập trung hơn và tránh suy nghĩ lung tung.

Bạn chỉ làm được điều này khi tài liệu đó là của bạn! Nếu bạn có một cuốn sách đắt tiền và thấy việc đọc chủ động sẽ giúp ích, thì bạn có thể photocopy để đánh dấu trên bản photocopy này.

Hãy tự hỏi bạn cần đầu tư bao nhiêu thời gian để đọc cuốn sách chứ đừng lo chuyện cuốn sách bị hỏng. Nếu lợi ích bạn nhận được từ cách đọc này vượt qua giá trị của cuốn sách thì sau khi đọc xong cuốn sách có thể bỏ đi.

Chiến lược 4: Làm thế nào để nghiên cứu các loại tài liệu khác nhau

Những loại tài liệu khác nhau lưu giữ thông tin ở những nơi khác nhau và bằng các cách khác nhau. Chúng có độ sâu và độ dày khác nhau. Nếu hiểu bố cục dàn ý của tài liệu thì bạn có thể lọc ra những thông tin hữu ích hiệu quả hơn nữa.

Đọc tạp chí và báo:

Thông thường sẽ có rất nhiều tin tức trên cùng 1 mặt báo. Chúng thường chỉ tập trung vào các chủ đề lôi cuốn và đang nóng, nhờ đó nhà sản xuất mới bán được! Chúng thường bỏ qua các tin tức kém lôi cuốn hơn nhưng không may là phải nhờ các phần kém lôi cuốn đó mà ta mới có thể hiểu rõ được vấn đề. Thông thường những phần có các thông tin hữu ích thì lại được họ đệm thêm nhiều tin chuyện gẫu không liên quan hoặc các quảng cáo.

Cách hiệu quả nhất để lấy thông tin từ tạp chí là lướt qua bảng nội dung hoặc phụ lục rồi lật đến trang có chứa thông tin mà mình cần. Nếu bạn tìm thấy một bài viết hữu ích, bạn có thể cắt nó và lưu vào một thư mục được phân loại. Nhờ đó, bạn có thể xây dựng các bộ bài viết liên quan nhau và phục vụ cho công việc nghiên cứu – học tập của mình.

Báo thì thường được sắp xếp thành các nhóm nội dung cố định ở các trang. Nếu thường xuyên đọc báo thì bạn có thể dễ dàng chọn ra những trang có chứa phần nội dung mà bạn cần và bỏ qua các trang khác.

Đọc các bài viết:

Các bài viết trong báo và tạp chí thường chia làm 3 loại chính:

·        Tin tức:

Ở đây, những thông tin quan trọng nhất thì được đăng lên trước, rồi dần dần đến các thông tin kém quan trọng hơn. Tin tức được thiết kế theo  kiểu đưa ra những điểm chính trước rồi sau đó mới đi sâu vào chi tiết.

·        Quan điểm:

Bài viết loại này thường dùng để giới thiệu một quan điểm, đánh giá vấn đề. Hầu hết các thông tin quan trọng nhất có trong phần giới thiệu và tóm tắt, và ở giữa bài viết thường có phần tranh luận.

·        Bài viết đặc trưng:

Các bài viết này chỉ để giới thiệu sơ hoặc làm nền cho một chủ đề nào đó. Thông thường những thông tin quan trọng nằm ở phần thân của bào viết.

Nếu bạn biết mình muốn gì ở một bài viết và nhận ra nó thuộc loại bài viết nào bạn có thể lọc ra thông tin rất nhanh và hiệu quả.

Chiến lược 5: Đọc “đầy đủ chủ đề” của tài liệu

Khi đọc một tài liệu quan trọng, bạn rất dễ chấp nhận cấu trúc mà tác giả suy nghĩ. Điều này có nghĩa là bạn không thể nhận thấy rằng các thông tin quan trọng đã bị bỏ qua hoặc các chi tiết thừa đã được thêm vào. Cách tốt nhất để nhận ra điều này là biên soạn mục lục của riêng bạn trước khi mở tài liệu đó ra. Sau đó, bạn có thể sử dụng mục lục của mình để đọc tài liệu theo thứ tự mà bạn muốn. Nhờ đó bạn có thể nhanh chóng phát hiện các thiếu sót.

Chiến lược 6: Sử dụng bảng chú thích thuật ngữ khi đọc những tài liệu chuyên môn.

Nếu bạn đọc một số lượng lớn tài liệu chuyên môn khó, thì việc photocopy hoặc biên soạn bảng chú thích thuật ngữ sẽ rất có ích. Hãy để nó bên cạnh khi bạn đang đọc tài liệu. Nó cũng sẽ rất có ích khi bạn ghi chú các khái niệm quan trọng theo cách diễn đạt của riêng bạn và tham khảo lại khi cần.

Thông thường, thì ghi chép lại vẫn tốt nhất. Cách hiệu quả nhất để làm điều này là sử dụng bản đồ tư duy hoặc hệ thống ghi chép Cornell.

Điểm cốt lõi:

Phần này hướng dẫn bạn sáu chiến lược khác nhau và những kỹ thuật để đọc hiệu quả hơn.

Đó là:

·        Biết được là bạn muốn gì và đọc chính xác điều đó.

·        Biết bạn cần thông tin sâu đến mức nào: lướt sơ, lướt toàn bộ hoặc nghiên cứu kỹ.

·        Sử dụng cách đọc chủ động để chọn ra những điểm mấu chốt giúp bạn tập trung hơn khi đọc.

·        Sử dụng mục lục để đọc báo và tạp chí, và cắt bài viết hữu ích.

·        Biết cách lọc thông tin hữu ích từ các loại bài viết khác nhau.

·        Tạo mục lục của riêng bạn để duyệt lại nội dung tài liệu.

·        Sử dụng các chỉ dẫn, phụ lục, và bảng tra cứu thuật ngữ sẽ giúp bạn tiêu hóa các thông tin chuyên môn.

15 phút sưu tầm và biên tập

Comments

comments

Leave a Reply

error: Content is protected !!